Các chuyên gia cho đến nay vẫn dự đoán trong năm tới lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt khi lãi suất leo thang, nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu và người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn. Việc giá hàng hoá, thực phẩm và năng lượng giảm bớt sẽ rõ rệt hơn khi so với mức tăng mạnh trong năm nay.
Rủi ro lạm phát chưa thể hạ nhiệt khi Trung Quốc “quay trở lại”
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến những kỳ vọng đó bị lung lay. Các chuyên gia của Bloomberg đã đưa ra một kịch bản: Vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên mở cửa biên giới kể từ những ngày đầu tiên của đại dịch. Và phần còn lại thế giới sẽ hứng chịu một cơn địa chấn.
Nền kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ “hồi sinh”. Sinh viên Trung Quốc sẽ lại đi ra nước ngoài, khách du lịch sẽ chu du trở lại và giám đốc điều hành các doanh nghiệp cũng quay lại với các chuyến công tác di chuyển bằng máy bay. Điều này xảy ra cùng thời điểm với thị trường địa ốc của nước này bắt đầu hồi phục, tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Bloomberg Economics cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đẩy giá hàng hoá toàn cầu lên cao và có thể lại gây áp lực cho chuỗi cung ứng. Giả sử, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, Bloomberg Economics ước tính rằng giá năng lượng sẽ tăng 20% và CPI của Mỹ có thể tăng lên 5,7% vào cuối năm.
Trong khi đó, năm nay, khi Trung Quốc đã phần nào giúp kiềm chế lạm phát toàn cầu. Thị trường bất động sản suy thoái và việc thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã khiến nền kinh tế tỷ dân giảm tốc. Bloomberg Economics đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 từ 3,5% xuống 3% và cắt giảm dự báo năm tới từ 5,7% xuống 5,1%. Nhiều chỉ số cho thấy việc kinh tế Trung Quốc trì trệ đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu.
IEA hồi tháng 9 cho biết khối lượng mua dầu của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Nhập khẩu của Trung Quốc từ đối tác thương mại lớn thứ 5 là Hàn Quốc đã giảm hơn 25% trong tháng 11, giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Các quy định hạn chế phòng dịch cũng khiến hoạt động di chuyển bằng đường hàng không của Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 thế giới, giảm 35% so với năm 2019. Trung Quốc từng là thị trường hàng không nội địa náo nhiệt nhất thế giới, khi xử lý khoảng 14.000 chuyến bay/ngày, nhưng đã giảm xuống khoảng 2.800 vào tháng 11.
Sau khi mở cửa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm dầu, hàng hoá và nguyên liệu thô, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với việc di chuyển bằng máy bay, lưu trú khách sạn và đầu tư bất động sản nước ngoài.
Iris Pang – nhà kinh tế trưởng tại ING Groep ở Trung Quốc đại lục, cho biết: “Chắc chắn lạm phát toàn cầu sẽ bị đẩy lên cao nếu Trung Quốc hoàn toàn mở cửa trở lại. Sẽ có nhiều chuyến du lịch quốc tế hơn, hoạt động mua bán nhộn nhịp hơn và hoạt động sản xuất được đẩy mạnh hơn.”
Những khó khăn mà Bắc Kinh phải đối mặt
Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào năm tới như thế nào vẫn là một câu hỏi được bỏ ngỏ. Song, rõ ràng rằng chính phủ nước này đang thay đổi lộ trình. Vào ngày 7/12, giới chức Bắc Kinh đã ban hành một kế hoạch 10 điểm, bổ sung thêm các biện pháp nới lỏng, từ đó càng cho thấy chính phủ đang dần dỡ bỏ chính sách Zero Covid.
Bắc Kinh, Quảng Châu, Hàng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến nằm trong số các thành phố đã nới lỏng các biện pháp hạn chế dù số ca nhiễm vẫn tăng cao. Thành phố Trịnh Châu – nơi có cơ sở sản xuất của Apple tại Trung Quốc, cũng đang nới lỏng quy định.
Phó Thủ tướng Trung Quốc – bà Tôn Xuân Lan, cho biết việc kiểm soát đại dịch của nước này đã bước sang giai đoạn mới. Bởi vậy, rất nhiều người đang kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa sớm hơn dự kiến.
Trước khi nền kinh tế hồi phục, Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng khi số ca nhiễm tăng mạnh và thiếu giuờng bệnh. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phân tích dự đoán nước này sẽ thực hiện quá trình mở cửa một cách từ từ và cẩn trọng. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động di chuyển, chuỗi cung ứng và niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa ổn định.
“Bài test” quan trọng với Trung Quốc về việc nới lỏng sẽ diễn ra vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới. Các nhà chức trách có thể ban hành quy định hạn chế di chuyển nghiêm ngặt và yêu cầu xét nghiệm, điều này sẽ khiến tâm lý trong kỳ nghỉ sụt giảm và thể hiện rằng con đường mở cửa sẽ khá gập ghềnh.
Dù có những bất ổn, nhưng TTCK Trung Quốc đang hồi phục khi đón nhận những tín hiệu tích cực về chính sách Zero Covid của chính phủ. Chỉ số Hang Seng China Enterprises của Hong Kong đã tăng 29% trong tháng 11 và ghi nhận tháng khởi sắc nhất kể từ năm 2003. Chỉ số Hang Seng cũng có mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ năm 1998. Đón nhận hiệu ứng lan toả, TTCK Úc cũng chạm đỉnh 7 tháng khi có tin Trung Quốc thay đổi lập trường chống dịch.
Những gì diễn ra ở Trung Quốc không chỉ tồn tại ở Trung Quốc
Một lý do khác khiến Trung Quốc thúc đẩy lạm phát vào năm tới đó là thị trường bất động sản. Một loạt các biện pháp nhằm ổn định giá nhà đã được công bố trong những tuần gần đây, bao gồm nới lỏng yêu cầu thanh toán trước với người mua nhà và tìm cách giảm áp lực của cuộc khủng hoảng thanh khoản với các nhà phát triển. Dù những động thái này không đảm bảo rằng lĩnh vực bất động sản (đóng góp 25% vào GDP Trung Quốc) sẽ hồi phục mạnh mẽ, nhưng có thể sẽ giúp vực dậy đà tăng tưởng.
Thị trường nhà ở hồi phục và mở cửa trở lại sẽ có tác động trực tiếp cho các đối tác thương mại Trung Quốc và các thị trường tài chính. Một tài liệu gần đây của Fed New York có tên “What Happens in China Does Not Stay in China” đã chỉ ra nước này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu dùng, tăng trưởng toàn cầu và tâm lý đám đông của nhà đầu tư.
Họ viết: “Cụ thể, chúng tôi thấy rằng các chính sách tín dụng mới bổ sung của Trung Quốc khiến giá hàng hoá, hoạt động sản xuất toàn cầu và GDP các nước khác tăng lên do nhu cầu của Trung Quốc cao hơn.”
Nếu bạn quan tâm đến thu đổi ngoại tệ Việt Nam 베트남 환전 thì có thể tham khảo thêm nhiều bài viết của chúng tôi nhé.